Tuần triển lãm Nguyễn Du
Vào lúc 8h00 sáng ngày 17 tháng 11 năm 2015, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (KHTH Tp. HCM) đã diễn ra lễ khai mạc Tuần triển lãm Nguyễn Du nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông (1765–2015) do Thư viện KHTH Tp. HCM phối hợp cùng Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam (Công ty Nhã Nam) tổ chức.
Đến dự lễ khai mạc có bà Kiều Thúy Nga – Giám đốc Thư viện Quốc gia, ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế, và hơn 100 đại biểu các Sở ngành, các Bảo tàng trên địa bàn TP, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội, Hội Thư Pháp, Câu lạc bộ Thơ Sài Gòn Thi hội, CLB Hán Nôm, cùng đông đảo phóng viên báo, đài và bạn đọc đến tham dự.
Chương trình lễ khai mạc gồm Bình thơ“Bốn chàng trai thân thiết của Thúy Kiều”, ngâm thơ Thuý Kiều, Chàng Kim, Thúc Kỳ Tâm, Từ Hải, Tú Bà, Vọng sóng Tiền Đường của các nghệ sĩ Hoàng Đức Tâm, Thùy Dương. Diễn trích đoạn “Thuý Kiều- Kim Trọng” trong vở tuồng cổ “Kim Vân Kiều” do nghệ sĩ Ngọc Nga, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội biểu diễn.
Chương trình triển lãm gồm trưng bày triển lãm hơn 360 nhan đề sách, báo, luận văn, luận án, tranh vẽ, thơ, nhạc; Giới thiệu 20 nhan đề về truyện Kiều của Thư viện Quốc hội Mỹ, chiếu phim tài liệu, tuồng... tại khu vực triển lãm đã được đông đảo bạn đọc xa gần đến nghiên cứu, học tập và thưởng lãm.
Ngày 18/11/2015, nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế cũng đã có buổi nói chuyện và giao lưu với độc giả về“Những nét độc đáo trong văn hóa Kiều”.
Triển lãm lần này giới thiệu tương đối đầy đủ các ấn bản tiếng Việt, Hán Nôm của Nguyễn Du, bản dịch Truyện Kiều ra nhiều ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Hàn Quốc… và các công trình nghiên cứu, biên khảo, chú thích về Nguyễn Du của nhiều lớp học giả từ xưa tới nay như Trần Trọng Kim, Tản Đà, Đào Duy Anh, Phạm Quỳnh, Trương Tửu, Xuân Diệu… Các bản sách do các nhà sưu tầm quen thuộc của TP. HCM như Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Quảng Tuân, linh mục Nguyễn Hữu Triết, Vũ Hà Tuệ… cung cấp. Nhìn chung, tài liệu trưng bày được cung cấp từ Thư quán Nhã Nam, bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, bộ sưu tập của Thư viện KHTH Tp. HCM và bộ kỷ lục của nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế.
Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày 15 bức thư pháp Hán Nôm các trích đoạn tác phẩm của Nguyễn Du. Các tác phẩm này do thư pháp gia trong Chi hội thư pháp, Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP. HCM như Lâm Hán Thành, Lý Tùng Niên, Trương Lộ, Trần Tiên Minh, Ô Dân Phát, Huỳnh Tuần Bá thể hiện. Nội dung các bức thư pháp này thể hiện tâm sự và nhân sinh quan của đại thi hào được ký thác trong Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh và các tác phẩm thơ chữ Hán lúc sinh thời.
Buổi triển lãm còn giới thiệu các bản tranh minh họa trích từ “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” do Hội Quảng Trị - Huế xuất bản năm 1942 của các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Lê Văn Đệ, Trần Văn Cẩn… Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn giới thiệu bộ sưu tập ký kiểu có vịnh Kiều và minh họa truyện Kiều.
Nhân dịp triển lãm, Công ty Nhã Nam và Thư viện KHTH Tp.HCM đã ra mắt hai ấn phẩm in mới để phục vụ triển lãm:
1. Truyện Thuý Kiều
Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tái bản “Truyện Thuý Kiều” do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, Vĩnh Hưng Long thư quán xuất bản năm 1925. Ấn bản này được đánh giá là có chú thích, khảo dị xuất sắc và khoa học hơn cả do nhà xuất bản Vĩnh Hưng Long rồi nhà xuất bản Tân Việt in lại nhiều lần. Đến năm 1958, nhà xuất bản Phổ Thông lại cho tái bản tiếp. Trong số các bản Kiều quốc ngữ, bản Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim đã được công nhận là bản được phổ biến sâu rộng hơn cả qua các thế hệ người đọc gần một thế kỷ nay.
“Truyện Thuý Kiều” tái bản có bổ sung thêm một số phụ bản tranh minh họa lấy từ “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” do Hội Quảng Trị - Huế xuất bản năm 1942, trong đó có tác phẩm của Lê Văn Đệ, một họa sĩ nổi tiếng, từng là thủ khoa khóa I trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, Giám đốc đầu tiên của trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1954-1966), được sử dụng làm tranh bìa cuốn sách.
2. “Thư mục Nguyễn Du - Cuộc đời và tác phẩm”
Thư mục do Thư viện Khoa học Tổng hợp biên soạn nhằm giúp cho bạn đọc dễ dàng tiếp cận bộ sưu tập về Nguyễn Du với hơn 1.400 nhan đề sách, bài báo, bài tạp chí, tài liệu số... được sưu tầm, tập hợp từ những nguồn tài liệu đang lưu trữ tại thư viện. Thư mục dày 520 trang, được chia thành ba chủ đề chính: Thân thế và sự nghiệp, Tác phẩm, Nghiên cứu – Bình luận.
Tuần triển lãm đã thu hút hơn 4.479 lượt bạn đọc, với hơn 5.617 lượt tài liệu trong đó có nhiều cơ quan báo đài quan tâm đến đưa tin, nhiều nhà nghiên cứu, bạn đọc, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước đến xem. Trong tuần triển lãm, Ban Tổ chức đã nhận tặng một số bản tài liệu quý hiếm về truyện Kiều để cho đủ bộ sưu tập của cơ quan, tổ chức và cá nhân như Thư viện Thiếu nhi và Thanh thiếu niên Hàn Quốc, bà Phan Thị Ngọc Châm, nhà nghiên cứu Vũ Thanh Huân và một số bạn đọc xin được giấu tên khác. Đặc biệt, nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã tặng cho Thư viện KHTH trọn bộ sưu tập của ông gồm 20 nhan đề sách do ông viết.
Ban Tổ chức xin trân trọng cảm ơn và hy vọng bạn đọc sẽ tiếp tục quan tâm và có những đóng góp nhiều hơn!