HỘI THẢO VỀ TÀI LIỆU HÁN NÔM VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC SƯU TẦM SỐ HÓA TÀI LIỆU HÁN – NÔM TẠI HUẾ
Sáng ngày 25/3/2015, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về Đánh giá thực trạng và giá trị khoa học lịch sử văn hóa tài liệu Hán – Nôm sưu tầm số hóa được tổ chức tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế.
Đến tham dự Hội thảo sẽ có các lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Thừa Thiên Huế; các nhà nghiên cứu Hán – Nôm tại Huế; lãnh đạo Thư viện Tổng hợp Thừa Thiện Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp.HCM.
Quang cảnh buổi hội thảo
Đề tài đóng góp bước đi có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định thêm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Thư viện, xây dựng ngân hàng dữ liệu số, nâng cao chất lượng phục vụ nhiều đối tượng độc giả, các nhà nghiên cứu của loại hình thư viện công cộng hiện đại.
Với việc tham gia thực hiện đề tài này, một bộ phận cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của hai đơn vị nâng cao hơn về năng lực nghiên cứu khoa học, khả năng đi thực tế tiếp xúc với đối tượng những người cao tuổi của các họ tộc. Mặt khác, nâng cao sự hiểu biết về lịch sử, văn hoá của vùng đất Phú Xuân – Thuận Hoá – Huế qua các thời kỳ lịch sử thông qua các tài liệu Hán – Nôm sưu tầm và số hoá. Nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sưu tầm bổ sung tài liệu thư viện, biên mục và bảo quản tài liệu thư tịch cổ.
Về ý nghĩa khoa học, xã hội nhân văn đề tài đóng góp nâng cao thêm nhận thức của nhân dân về giá trị lịch sử văn hóa và việc phát huy giá trị các loại hình tài liệu Hán – Nôm trong thời đại ngày nay. Đó chính là một phần quan trọng xây nên linh hồn của đất nước, quê hương. Qua đó, hiểu biết thêm về lịch sử hình thành của loại di sản đặc biệt này trong lịch sử nước nhà nói chung, của tinh hoa văn hóa Huế nói riêng. Sự phổ biến chữ Hán như vậy đã tạo nên một nét văn hóa riêng trong đời sống cư dân Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế, góp phần tào nên nét riêng của VĂN HÓA HUẾ.
Đi thực tế khảo sát, sưu tầm ở các làng chúng tôi đều nhận biết những giá trị lịch sử, văn hóa làng xã thể hiện ở các loại thư tịch cổ - tài liệu Hán Nôm trong văn hóa dân gian Việt Nam nói chung, làng xã Thừa Thiên Huế nói riêng chứa đựng cuộc sống, tình cảm, đạo lí dân tộc trong dặm dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Những văn tự ấy còn dạy cho con cháu những bài học đạo lí phối hợp lễ nghĩa của Nho và từ bi của Phật với tình cảm vốn có của dân tộc, như tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, không quên các vị khai canh khai khẩn, các vị thủy tổ dòng họ đã dày công mở đất, dựng làng, hoặc tinh thần kính già yêu trẻ, hiếu thảo với cha mẹ, nhường nhịn với anh em, hòa ái với bạn bè. Xem những giấy tờ trong hòm bộ các làng, chúng ta càng thấy rõ tinh thần, đạo lí của đời sống cộng đồng. Những văn bản Hán – Nôm như sắc phong, chiếu, chế, địa bạ, điền bạ, đinh bạ, văn khế đơn trương, văn cúng…phản ánh lịch sử văn hóa, bộ mặt làng xã cổ truyền ở xứ Huế. Đồng thời, cũng phản ánh một hiện tượng khác cũng rất đáng nói: trong kho tàng văn học dân gian hay văn học truyền khẩu của ta gồm thành ngữ, tục ngữ, ca dao, chữ Hán – Hán văn cũng không hề vắng bóng. Có thể nói rằng, ở Thừa Thiên Huế chữ Hán đã đi vào ca dao, dân ca góp phần tạo nên những âm hưởng đặc trưng “chẳng nơi nào có được” của dân ca xứ Huế. Tất cả những giá trị văn hóa, lịch sử đó sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị trong quá trình xây dựng nông thôn mới trong thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thời đại hội nhập văn hóa quốc tế.
Được biết suốt 7 năm qua, hai thư viện đã triển khai việc sưu tầm, số hóa tài liệu Hán – Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên Huế. Sau buổi hội thảo hai thư viện sẽ triển khai kế hoạch sưu tầm số hóa tài liệu Hán – Nôm cho năm nay gồm 01 phủ và 16 làng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, từ ngày 26/3 đến ngày 12/4/2015.
Mốt số hình ảnh hoạt động:
Anh Trương Thiên Lộc đang dịch một số sắc phong của Đình làng Phú Xuân.
Anh Trương Thiên Lộc dịch sắc phong tại gia đình họ Lê – Phú Xuân
Hai Tông đồ gia phả họ Lê từ thời Chính Hòa năm thứ 23 (1702)