PHÒNG PHỤC VỤ BẠN ĐỌC
1. Giới thiệu chung
Công tác phục vụ bạn đọc là một trong những công tác trọng tâm và quan trọng nhất của bất kỳ thư viện nào. Qua hơn 40 năm qua, tổ chức các phòng/ bộ phận phục vụ có những thay đổi nhằm phù hợp với nhu cầu phục vụ từng thời kỳ. Tóm lược số lượng, tên phòng/ bộ phận phục vụ qua từng thời kỳ như sau:
- Thời kỳ năm 1972 - trước 30/4/1975:
Phòng đọc Tổng hợp: phục vụ nhu cầu mọi người dân.
Phòng đọc Khoa học: phục vụ các nhà nghiên cứu.
Phòng Báo - Tạp chí: phục vụ nhu cầu mọi người dân
Phòng Tham Khảo: phục vụ nhu cầu tra cứu, hướng dẫn và trả lời các nhu cầu tin của bạn đọc.
Phòng Đọc sách Nhi đồng: phục vụ cho thiếu nhi.
- Thời kỳ sau 30/4/1975 - 2000:
Phòng đọc Tổng hợp
Phòng Báo Tạp chí
Phòng Tham Khảo
Phòng đọc tài liệu Hạn chế
Phòng đọc dành cho người khiếm thị.
Phòng đọc thính thị (đa phương tiện)
- Từ 2000 – 2023
Phòng đọc Tổng hợp
Phòng Báo Tạp chí
Phòng Tham Khảo – Tra cứu thông tin
Phòng đọc Doanh nhân
Phòng đọc tài liệu Hạn chế – Hán Nôm
Phòng đọc dành cho người khiếm thị
Phòng đọc chuyên đề
Phòng đọc Thanh Thiếu Nhi
- Từ 2023 – Nay
Phòng đọc Tổng hợp
Phòng đọc chuyên đề
Phòng Tham Khảo – Tra cứu thông tin
Không gian dành cho người khiếm thị
Phòng đọc Thiếu Nhi
Phòng đọc Thiếu Niên
Không gian Triển lãm - Trưng bày
2. Chức năng - nhiệm vụ
- Tổ chức phục vụ nhu cầu đọc cho mọi đối tượng bạn đọc.
- Tổ chức hướng dẫn các dịch vụ của thư viện và phục vụ bạn đọc.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sự kiện tại đơn vị: hoạt động triển lãm, nói chuyện chuyên đề trong và ngoài thư viện, hướng dẫn hỗ trợ bạn tổ chức sự kiện, thảo luận nhóm, thuyết trình...
- Phối hợp chặt chẽ với các phòng chức năng, các đơn vị trong việc hướng dẫn bạn đọc có nhu cầu tìm tin, tìm tài liệu trong thư viện. Cấp thẻ cho các đối tượng bạn đọc theo quy định.
3. Quá trình phát triển các phòng, bộ phận trực thuộc
3.1. Phòng đọc Tổng hợp
- Năm 1972 thư viện đi vào hoạt động, phục vụ bạn đọc với hệ thống 02 phòng đọc sách chính là Phòng Đọc Tổng hợp và Phòng Đọc Khoa học. Với đặc điểm phòng đọc Khoa học phục vụ các nhà nghiên cứu và tổ chức hình thức tự chọn (kho mở) vào thời điểm đó. Phòng Đọc Tổng hợp phục vụ đa số người dân hình thức kho đóng (bạn đọc yêu cầu sách thông qua phiếu đăng ký).
- Sau 30/4/1975, thư viện mở cửa hoạt động lại phục vụ người dân thành phố; Tổ chức phòng đọc sách kho mở, sắp xếp tài liệu theo khung phân loại DDC; Thành lập Góc tài liệu về Sở hữu trí tuệ của Phòng Thương mại Mỹ Việt; Thành lập Góc Thông tin Ngân hàng Thế giới; Điều chỉnh hoạt động mượn trả; Ứng dụng CNTT vào hoạt động phục vụ,...
- Năm 1995 hệ thống máy tính đầu tiên cho bạn đọc được đưa vào sử dụng được gọi là phòng Multimedia sau được đổi thành phòng đa phương tiện. Hệ thống tra cứu trực tuyến được đưa vào sử dụng vào năm 2000 thay vào các hộp phích thẻ vị trí bằng giấy trước đây.
- Năm 1993, phòng đọc thực hiện việc tăng giờ phục vụ: kết thúc lúc 19g00 thay vì 16g30 như trước đây.
- Trước tháng 7 năm 2007, Phòng Đọc chung phục vụ bạn đọc theo hình thức kho đóng, bạn đọc tìm tài liệu qua hệ thống tra cứu sau đó viết phiếu yêu cầu, tài liệu được chuyển từ hệ thống kho đóng, thời gian chờ lấy sách mất khá nhiều thời gian của bạn đọc nếu sách ở vị trí tầng cao.
- Giữa tháng 8 năm 2007, thư viện chính thức chuyển sang sử dụng khung phân loại DDC và tiến hành sắp xếp lại kho sách bổ sung trong ba năm mới nhất. Đây có thể coi là bước tiến mới trong công tác phục vụ của thư viện vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc lựa chọn tài liệu tại chỗ mà không mất thời gian viết phiếu yêu cầu, chờ thủ thư lấy sách trên kho như trước đây.
- Bên cạnh việc đầu tư vào hệ thống kho sách, thường xuyên cập nhật những quyển sách mà bạn đọc có yêu cầu để kịp thời phản hồi cho phòng Bổ sung, phòng Đọc còn tích cực trong tổ chức, sắp xếp các kệ sách, tạo diện mạo mới cho bạn đọc thoải mái khi sử dụng thư viện. Cùng với việc trang bị bàn ghế mới, thay đổi kệ sắt bằng các kệ gỗ, phòng Đọc còn tiến hành di dời các kệ, các tủ giữ đồ để có được không gian đón gió, đón ánh sáng cho bạn đọc. Ngoài ra, việc trồng cây xanh vừa trang trí, vừa tạo sự thư giãn nhận được rất nhiều sự khen ngợi từ bạn đọc.
- Việc thiết kế khu vực dành riêng cho những người sử dụng máy tính cá nhân cũng nhận được nhiều cảm tình. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc trong quá trình học tập và nghiên cứu vì có thể tra cứu cơ sở dữ liệu tại chỗ và các cơ sở dữ liệu trực tuyến. Ngoài công tác phục vụ, phòng Đọc còn tích cực đổi mới trong các khâu kiểm kê hàng năm. Ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm kê hiệu quả, tiết kiệm thời gian và nhân lực.
- Tính đến hết tháng 9 năm 2017, phòng Đọc đang lưu trữ: 11.887 nhan đề/ 20.956 cuốn với nội dung phong phú, đa dạng từ sách ngoại văn, sách tin học, y học, khoa học kỹ thuật.
- Trong năm 2016, 2017, phòng Đọc đã tiến hành thử nghiệm mẫu nhãn sách mới được thiết kế bằng logo hình ảnh cho từng môn loại thân thiện hơn với người dùng bên cạnh số phân loại DDC. Ứng dụng chương trình xử lý tài liệu ra kho mở hoàn toàn mới giúp chính xác hơn, tiết kiệm nhân lực, thời gian và không cần phải viết thẻ vị trí khi xử lý tài liệu đưa ra kho mở như trước đây. Thư viện còn cho phép bạn đọc mang túi và tài liệu tham khảo vào hệ thống các phòng Đọc tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc học tập và nghiên cứu tốt nhất. Những động thái tích cực trong những năm vừa qua đã góp phần tạo ra một thư viện thân thiện và tiện ích.
- Năm 2023, phòng Đọc Tổng hợp đã được sắp xếp lại để đón được nhiều gió và ánh sáng tự nhiên nhất, tạo sự thông thoáng trong phòng. Hệ thống điện và đèn được thiết kế mới nhằm giảm tải cho hệ thống điện, đồng thời cung cấp thêm nhiều vị trí sử dụng điện cho bạn đọc sử dụng máy tính xách tay, máy tính bảng khi nghiên cứu và học tập tại phòng. Các ấn phẩm báo và tạp chí được bố trí trong một không gian riêng của phòng Đọc Tổng hợp nhằm tạo thuận tiện cho bạn đọc khi sử dụng thư viện.
Một số hình ảnh hoạt động:
Ảnh: Toàn cảnh phòng Đọc Tổng hợp
Ảnh: Một góc phòng Đọc Tổng hợp
3.2. Phòng đọc chuyên đề
Đây là mô hình phòng đọc nghiên cứu chuyên đề đầu tiên tại Việt Nam, phục vụ bạn đọc bộ sưu tập của các nhà nghiên cứu nổi tiếng của Việt Nam, bộ sưu tập về Âm nhạc và tài liệu tiếng Hán.
+ Bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn
- Đây là do chính nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn tổ chức và sắp xếp. Ông đã hiến tặng bộ sưu tập với cách tổ chức sắp xếp như một thư viện, bạn đọc dễ dàng tra cứu và sử dụng tài liệu một cách dễ dàng thông qua sổ mục lục và phích tra cứu.
- Ông là Phó giáo sư, tiến sĩ Triết học và Văn chương, nhà giáo, nhà nghiên cứu nổi tiếng của Việt Nam. Bắt đầu sáng tác từ năm 1956, bắt đầu dịch thuật từ năm 1960. Ông tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành lý luận văn học năm 1987 tại Viện Văn học thế giới - Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Ông nhận bằng tiến sĩ triết học và văn chương của UNESCO năm 1996.
- Tiến sĩ đã có hơn 300 công trình nghiên cứu, khảo sát, chuyên luận, tiểu luận, phê bình, tác phẩm và bài viết về văn học, sân khấu điện ảnh và văn hóa xã hội; hơn 50 cuốn sách in chung và riêng. Ngoài ra, ông còn tham gia chủ trì nhiều hội đồng nghiệm thu các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp thành phố... Tất cả những tài liệu này ông đều hiến tặng lại cho Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có những đầu sách đặc biệt khác như sách tranh và tượng Tô Sanh cùng nhiều tài liệu tham khảo đã đồng hành cùng tiến sĩ trên mọi nẻo đường học tập nghiên cứu trong và ngoài nước bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn không chỉ có những tài liệu do ông là tác giả đồng tác giả mà còn là những tài liệu do ông kỳ công sưu tầm, có những tài liệu đã không còn xuất bản nữa. Sắp tới thư viện sẽ số hóa tất cả tài liệu của nhà nghiên cứu để xây dựng một bộ sưu tập số hoàn chỉnh nhằm giúp bạn đọc có thể tiếp cận tài liệu mọi lúc, mọi nơi và sẽ cố gắng bảo quản, phát huy tốt nhất vốn tài liệu này cũng như lòng tin của nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn đã giao cho thư viện quản lý.
Ảnh: Nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn giao lưu với bạn đọc
+ Bộ sưu tập của nhà báo, nhà văn Trần Thanh Phương
- Bộ sưu tập tư liệu của nhà báo, nhà văn Trần Thanh Phương được đặt trong phòng đọc chuyên đề. Số tài liệu này được nhà báo tặng cho thư viện để phục vụ cộng đồng. Nhà báo Trần Thanh Phương nguyên là Phó Tổng Biên tập kiêm Trưởng Ban đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại các tỉnh phía Nam và là cựu Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Bộ sưu tập về Âm nhạc
- Bộ sưu tập do thư viện sưu tầm gồm sách, CD bằng tiếng Việt có chủ đề liên quan đến âm nhạc, nhạc cụ của các dân tộc Việt Nam
+ Tài liệu tiếng Hán
- Tài liệu do thư viện sưu tầm định kỳ hàng tháng với các sách được viết bằng chữ Hán có nội dung đa dạng ở nhiều lĩnh vực như văn học, giáo dục, hội họa, khoa học…
3.3. Phòng Tham Khảo – Tra cứu thông tin
- Phòng Tham khảo và Tra cứu Thông tin là một dịch vụ rất quan trọng và cần thiết trong Thư viện, dịch vụ này được xem trọng và tổ chức hoạt động từ ngay những ngày đầu thành lập Thư viện, với các chức năng rất cơ bản.
- Năm 1975 đến nay. Từ sau giải phóng đến nay phòng Tham Khảo được thay đổi tên cho phù hợp với chức năng và nhiệm vụ từng giai đoạn cụ thể.
- Sau 1975 - 2005: Phòng Tham khảo tiếp tục phục vụ công tác tra cứu tham khảo, trả lời các câu hỏi về thông tin, về tài liệu cho bạn đọc.
- Đến tháng 9 năm 2006, với định hướng nâng cấp nghiệp vụ tham khảo và ứng dụng Internet vào hoạt động dịch vụ tham khảo, phát triển nghiệp vụ với mô hình dịch vụ tham khảo tích hợp 03 hình thức dịch vụ mới: Dịch vụ trả lời câu hỏi tham khảo; Hướng dẫn và tra cứu tài liệu thư viện; Tra cứu mục lục trực tuyến.
- Năm 2013 - Phòng Tham khảo mở rộng thêm Góc (không gian) đọc sách điện tử E-book sử dụng máy tính bảng.
- Tháng 10 năm 2015 - Phòng Tham Khảo được thiết kế lại hoàn toàn, thay đổi diện mạo cùng phong cách phục vụ mới theo mô hình Dịch vụ tham khảo và Không gian học tập chung (References Services & Learning Commons)– được mang tên phòng Tham khảo & Tra cứu thông tin – (s.hub - Không gian chia sẻ). Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu của giới trẻ thành phố về việc tìm kiếm những không gian tiện nghi, mang đến cảm hứng sáng tạo để học tập và trao đổi tri thức.
- Dự án được phối hợp giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử SamSung Vina và Thư viện KHTH. Phòng được nâng cấp cơ sở hạ tầng, tài trợ thiết bị công nghệ cao, hợp tác thực hiện các hoạt động trao đổi tri thức. Không gian mới được khai trương vào ngày 22.10.2015.
- Một số hình ảnh hoạt động:
Ảnh: Một góc phòng Tham khảo - Tra cứu thông tin
Ảnh: Thảo luận nhóm trong phòng Nghe nhìn
3.4. Phòng đọc Thiếu Nhi
- Tháng 11 năm 1973, Thư viện Quốc gia (miền Nam Việt Nam) thiết lập phòng Đọc sách Nhi Đồng và được hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong giai đoạn đầu bởi Thư viện Trung Ương. Phòng Đọc sách Nhi Đồng phục vụ các em từ 6 đến 15 tuổi.
- Sau năm 1975, vì nhiều lý do, phòng Đọc sách Nhi Đồng tạm ngưng hoạt động.
- Ngày 31 tháng 01 năm 2007, khai trương Thư viện thiếu nhi Lý Tự Trọng từ hoạt động hợp tác giữa Thư viện Khoa học Tổng hợp, Phòng Hợp tác và Hoạt động Văn hóa thuộc Tổng Lãnh sự quán Pháp và dự án Valease. Thư viện thiếu nhi đạt chuẩn Châu Âu với trang thiết bị và dịch vụ theo lối truyền thống kết hợp với hiện đại phục vụ các em từ 5 đến 15 tuổi.
- Năm 2010, Thư viện thiếu nhi Lý Tự Trọng mở rộng và nâng cấp trở thành Phòng đọc Thanh Thiếu Nhi nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và giải trí cho các em từ 5 đến 18 tuổi. Không gian đọc sách được mở rộng hơn, diện tích phòng tăng lên từ 238m2 thành 272m2, có các khu vực đọc sách dành cho các nhóm tuổi mầm non, thiếu nhi và thanh thiếu niên, khu vực sinh hoạt chung, sân khấu, và khu vực đa phương tiện.
- Mô hình Thư viện Xanh được triển khai vào năm 2010 thông qua hợp tác hoạt động giữa Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM và chi đoàn Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM nhằm phục vụ các em bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện với mục đích:
Giúp các em tiếp cận và thưởng thức những cuốn sách hay, bổ ích thông qua việc đưa sách và các hoạt động phù hợp đến với bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện.
Giúp các em có thêm niềm vui để nhanh chóng hồi phục, góp phần tích cực vào quá trình điều trị của các bác sĩ.
Biến thời gian thăm khám, điều trị hoặc thăm nuôi người bệnh thành thời gian hữu ích.
- Chương trình “Thư viện đến với trường học” được triển khai năm 2011, phục vụ học sinh các trường học ở vùng sâu vùng xa trên địa bàn thành phố. Chương trình phối hợp với các trường ở vùng xa trên địa bàn TP.HCM, nơi thư viện trường chưa đủ mạnh nhằm cung cấp sách tham khảo, sách phù hợp nhu cầu học tập, giải trí của các em học sinh. Bên cạnh đó, thư viện phối hợp với trường tổ chức ngày hội đọc sách, hướng dẫn các em cách đọc, cách chọn và bảo quản sách. Thông qua việc cung cấp sách tham khảo, sách đọc phù hợp tâm sinh lý các em, hướng đến mục tiêu giúp trẻ em trường còn khó khăn hình thành thói quen đọc sách trong một môi trường thư viện trường học thân thiện, giúp các em có cơ hội tiếp nhận những thông tin mới, bổ ích. Xây dựng lòng ham thích đọc sách của các em.
- Năm 2018, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM phối hợp với Công ty điện tử Samsung VINA nâng cấp thành Phòng đọc thiếu nhi – Không gian công nghệ cho thiếu nhi (S.hub Kids). Với không gian gần 450m2, Phòng đọc thiếu nhi - S.hub Kids được thiết kế thành những khu vực chức năng như phòng học STEM, phòng thiên văn, không gian đọc sách và mê cung sách, không gian giải trí đa phương tiện, sân khấu … tạo không gian thân thiện, hiện đại, trẻ trung và gần gũi với thiếu nhi. cùng với các trang thiết bị hiện đại của Samsung như bảng tương tác thông minh, bảng Flip Chart điện tử, máy tính bảng và các bộ công cụ Lego Robots hiện đại.
Các lớp học và hoạt động STEM đa dạng được triển khai nhằm phục vụ nhu cầu và sở thích đa dạng của nhiều đối tượng đọc giả thanh thiếu nhi của thư viện. Điểm nổi bật của dự án là chương trình bồi dưỡng đào tạo nhân sự giảng dạy STEM, hứa hẹn S.hub Kids sẽ trở thành nơi mà các thầy cô giáo có thể thực hành và trau dồi kỹ năng giảng dạy STEM.
- Một số hình ảnh về Phòng Đọc Thiếu Nhi:
Ảnh: Học sinh các trường trên địa bàn tham quan trải nghiệm phòng Thiếu nhi
Ảnh: Cùng chơi trò chơi Khoa học vui
3.5. Phòng đọc Thiếu Niên
- Tháng 11 năm 2023, Phòng Đọc Thiếu niên được thiết lập theo hình thức tự phục vụ dành cho các bạn đọc từ 13 – 16 tuổi đang sinh sống và học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Không gian phòng đọc được thiết kế phù hợp với nhóm tuổi. Vốn tài liệu hơn 20.000 bản; máy tính kết nối internet, dịch vụ mượn tài liệu về nhà được cung cấp cho bạn đọc thiếu niên. Đặc biệt, bạn đọc thiếu niên được tham gia các hoạt động sinh hoạt do thư viện tổ chức vào các dịp đặc biệt và đăng ký tham gia hoạt động thiết kế không gian đọc, chương trình sinh hoạt như thảo luận sách, thuyết trình, triển lãm sách…
- Đây là mô hình tự phục vụ đầu tiên được thiết lập dành cho các em thiếu niên thành phố.
Một số hình ảnh về phòng đọc Thiếu niên
Ảnh: Bạn đọc thiếu niên tra cứu cơ sở dữ liệu
Ảnh: Một góc tìm tài liệu và làm việc nhóm
3.6. Không gian dành cho người khiếm thị
- Vào thập niên 90, cùng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các lĩnh vực xã hội ở Việt Nam, cùng với nhu cầu của bộ phận người khiếm thị (NKT), đặc biệt các trường chuyên biệt cho NKT và các tổ chức từ thiện cho người mù. Một số nhóm hỗ trợ về CNTT đã bắt đầu thiết kế và thực hiện các phần mềm chuyên dụng để người khiếm thị dễ dàng tiếp cận với máy tính. Trong thời điểm này, các Thư viện Việt Nam vẫn chưa có dịch vụ cho NKT, nhận thấy sự cần thiết của dịch vụ này trong việc hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận với nguồn lực thông tin phong phú và đa dạng, vào năm 1999 Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đầu tư thí điểm cho 02 phòng đọc cho NKT tại Thư viện Hà Nội và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM thông qua “Chương trinh Quốc gia Mục tiêu về Văn hóa”. Đây chính là hoạt động khởi xướng đầu tiên về dịch vụ cho NKT tại Hệ thống Thư viện công cộng tại Việt Nam.
- Thư viện KHTH là thư viện công cộng đầu tiên ứng dụng CNTT vào các dịch vụ nhằm nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm cho NKT. Nhiều năm qua, nhờ sự hỗ trợ của quỹ FORCE (Hà Lan) các dịch vụ cho NKT ở thư viện KHTH phát triển rất nhanh. Thêm vào đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa Vụ Thư Viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và quỹ FORCE, dịch vụ cho NKT được mở rộng đến tất cả các thư viện công cộng trong cả nước và các trường chuyên biệt, trung tâm mái ấm có trẻ em khiếm thị.
3.6.1. Khởi đầu phục vụ lưu động cho người khiếm thị
Mô hình xe lưu động phục vụ người khiếm thị được khai trương vào ngày tháng năm 2007, theo ông Balfoort, Giám đốc Quỹ FORCE – đây là mô hình đầu tiên trên thế giới. Dự án do Quỹ FORCE và Stardard Charted Bank tài trợ với mục đích mang dịch vụ phục vụ tận nơi cho NKT – vốn rất khó khăn trong vấn đề di chuyển. Năm 2014, thư viện đã tổ chức phục vụ hơn 20 chuyến, tại một số tỉnh thành như: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bến Tre, Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An,...
3.6.2. Các tổ chức đồng hành cùng thư viện
- FORCE Foundation Hà Lan (tài trợ kinh phí từ năm 2000 – 2010 gồm thiết lập dịch vụ, thiết bị chuyên dung, sản xuất tài liệu, tập huấn cho toàn hệ thống TVCC Việt Nam)
- Saigon Children Charity (tài trợ kinh phí cho sản xuất tài liệu, phục vụ lưu động và tổ chức sân chơi cho trẻ em khiếm thị 2009, 2010, 2013 và 2014)
- Hiệp hội Thương mại Mỹ - Việt (AMCHAM) (tài trợ cho thiết bị và sản xuất tài liệu năm 2011)
- Ngân hàng Standard Chartered Bank (tài trợ thiết bị - Xe lưu động khiếm thị năm 2007)
- Tổng Lãnh sự quán Đức (tài trợ kinh phí cho sản xuất tài liệu năm 2010)
- Tổng Lãnh sự quán Úc (tài trợ kinh phí thiết bị và sản xuất tài liệu 2012)
- Tổng Lãnh sự quán Hà Lan (tài trợ kinh phí thiết bị và sản xuất tài liệu 2005, 2010)
- Tổng Lãnh sự quán Mỹ (tài trợ kinh phí sản xuất tài liệu năm 2014)
- Công ty Intel Việt Nam (tài trợ kinh phí sản xuất tài liệu và phục vụ lưu động năm 2014
3.6.3. Hình ảnh hoạt động phục vụ
Ảnh: Phục vụ bạn đọc khiếm thị tại mái ấm Long Thành
Ảnh: Phục vụ bạn đọc khiếm thị tại mái ấm Thiên Ân
3.7. Không gian Triển lãm – Trưng bày
- Không gian Triển lãm và Trưng bày được thiết lập vào năm cuối năm 2023 với mục đích giới thiệu các bộ sưu tập và sản phẩm độc đáo do Thư viện sưu tầm; những sản phẩm đoạt giải từ các cuộc thi do Thư viện tổ chức. Đặc biệt, Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh với các sách, tranh ảnh đặc sắc và quý giá được giới thiệu trang trọng tại không gian này. Đồng thời, nơi đây cũng là không gian để các nhà nghiên cứu, học giả, diễn giả, tác giả tổ chức các buổi giới thiệu, triển lãm ra mắt tài liệu mới, các tổ chức, đơn vị triển lãm - trưng bày các nội dung, sản phẩm văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, học thuật…. Bạn đọc đến thư viện có thể tìm thấy những ý tưởng mới, những kiến thức hữu ích cho việc học tập và nghiên cứu khi tham gia các buổi triển lãm - trưng bày và tham khảo các tư liệu quý tại nơi đây.
Một số hình ảnh về Không gian Triển lãm – Trưng bày
Ảnh: Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn tham quan Không gian Triển lãm - Trưng bày
Ảnh: Một góc Không gian Triển lãm - Trưng bày
4. Thông tin liên hệ
Liên hệ công tác:
Cô Nguyễn Thị Như Trang - Trưởng phòng
Số điện thoại: (028) 3 8 225 055, bấm số nội bộ 216
E-mail: ntntrang.svhtt@tphcm.gov.vn
Cô Hồng Thị Kim Vy - Phó Trưởng phòng
Số điện thoại: (028) 3 8 225 055, bấm số nội bộ 240
E-mail: htkvy.svhtt@tphcm.gov.vn.
Cô Đỗ Thị Mai Loan - Phó Trưởng phòng
Số điện thoại: (028) 3 8 225 055, bấm số nội bộ 242
E-mail: dtmloan.svhtt@tphcm.gov.vn